Đây là khóa học đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ Đề án “Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/11/2015.
Phát biểu khai giảng khóa học, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý nhấn manh, Đề án “Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế” là một trong các hoạt động triển khai Chương trình hành động của Chính phủ (Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014) nhằm thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
Theo đó, Nghị quyết 22 nhấn mạnh giải pháp “phát triển nguồn nhân lực”, “tăng cường bồi dưỡng nâng cao nhận thức và năng lực hội nhập quốc tế cho công chức, viên chức các cấp, các ngành” đáp ứng yêu cầu của công cuộc hội nhập và phát triển đất nước. Bộ Ngoại giao được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương biên soạn và triển khai Đề án.
Mục tiêu của Đề án là nhằm bồi dưỡng các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế ở các Bộ, ngành và địa phương, góp phần hoàn thành nhiệm vụ hội nhập quốc tế mà Đảng và Nhà nước đã đề ra; đồng thời tạo cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương và cá nhân các công chức, viên chức tiếp tục tự bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ của quá trình hội nhập trong lĩnh vực mà cơ quan, cá nhân phụ trách.Thứ trưởng Đặng Đình Quý cho biết thêm, trong năm 2016, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tổ chức 5 khóa bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế của các Bộ, ngành và địa phương. Sau 5 năm thực hiện Đề án, Bộ Ngoại giao sẽ tổng kết và kỳ vọng đạt được hầu hết các nhiệm vụ cơ bản trong công tác bồi dưỡng công chức viên chức làm hội nhập quốc tế của các Bộ, ngành và địa phương từ cấp chuyên viên, cấp Phòng đến cấp Sở, cấp Vụ.
Bà Phạm Lan Dung, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Nghiệp vụ Ngoại giao thuộc Học viện Ngoại giao cho biết, khóa bồi dưỡng lần này diễn ra trong hai ngày (24-25/11) với các nội dung: Thành tựu 30 năm đổi mới của Việt Nam; Tình hình quốc tế và khu vực hiện nay; Tình hình kinh tế thế giới và thực trạng kinh tế Việt Nam; Chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam…
Ban Tổ chức đã mời các giảng viên, báo cáo viên tâm huyết, giàu kinh nghiệm trực tiếp tham gia vào tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam như: Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý; Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017; Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách; Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao.
Cùng với sự đầu tư trong việc mời giảng viên có chất lượng, Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản cuốn sách “Vài ngón nghề Ngoại giao” của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan làm tài liệu tham khảo, phục vụ trực tiếp cho các lớp Bồi dưỡng của Đề án.
Phương pháp được sử dụng trong khóa học là phương pháp hiện đại, lấy người học làm trung tâm, kết hợp trình bày của giảng viên với bài tập tình huống, thảo luận, giải đáp thắc mắc của học viên để từ đó học viên lĩnh hội nhanh nhất các kiến thức được truyền đạt.
Bà Phạm Lan Dung chia sẻ, sự chuẩn bị kỹ lưỡng về giảng viên, phương pháp giảng dạy cũng như tài liệu tham khảo sẽ góp phần tăng thêm tính hiệu quả và thành công của các khóa học. Đồng thời, qua khóa học lần này, Ban Tổ chức sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của các học viên, rút kinh nghiệm để công tác tổ chức các khóa học sau ngày càng hoàn thiện hơn.
(Nguồn http://baoquocte.vn/khai-giang-khoa-boi-duong-kien-thuc-cho-can-bo-lam-cong-tac-hoi-nhap-quoc-te-39852.html)