12:00:00   02/06/2021

Sáng ngày 24/5, trong khuôn khổ chương trình bồi dưỡng Tiền Công vụ năm 2021, Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Đối ngoại (FOSET), Học viện Ngoại giao đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Ngoại giao: Sứ mệnh và Tâm huyết”. Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao kiêm Giám đốc FOSET đã chủ trì tọa đàm; các diễn giả gồm có: Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar; Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Pilar Mendez Jimenez; Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson và toàn bộ cán bộ trẻ thuộc lớp bồi dưỡng Tiền công vụ 2021.

TS Phạm Lan Dung thay mặt Học viện Ngoại giao bày tỏ vui mừng và hân hạnh chào đón sự tham gia tọa đàm của các Đại sứ, tin tưởng đây sẽ là cơ hội bổ ích cho cán bộ ngoại giao trẻ Việt Nam học hỏi thêm kinh nghiệm từ các đại diện ngoại giao nước ngoài. Sự hiện diện của các Đại sứ là niềm vinh dự lớn đối với Học viện và với lớp Tiền Công vụ 2021.

    

Các Đại sứ đã dành nhiều thời gian chia sẻ về những kinh nghiệm trong sự nghiệp ngoại giao của mình


Đại sứ Nadav Eshcar chia sẻ đã công tác ở Viêt Nam được ba năm rưỡi và cho biết sứ mệnh của ông khi làm việc tại Việt Nam là thúc đẩy quan hệ giữa hai nước ngày càng nồng ấm hơn, năng động hơn. Ông đã ví thế giới như một ngôi làng nhỏ, các nhà ngoại giao như ông có trách nhiệm thúc đẩy hòa bình và hữu nghị, vì lợi ích giữa các quốc gia trên thế giới. Nghề ngoại giao là một nghề rất thú vị, bạn được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau, bên cạnh những khó khăn như thay đổi môi trường sống, gia đình phải di chuyển, ở một nơi xa đất nước không có người thân, bạn bè xung quanh. Đại sứ đã chia sẻ thêm nhiều điều cần lưu ý khi làm ngoại giao như mọi vấn đề cần cân nhắc lợi ích giữa các bên, tạo kết quả cùng thắng.

Về phần mình, Đại sứ Pilar Mendez Jimenez đã chia sẻ về kinh nghiệm công tác của mình và tại sao bà lại chọn ngành ngoại giao. Bà yêu thích luật quốc tế, học ngôn ngữ và thông thạo các tiếng Anh, Đức, Pháp và đang học thêm tiếng Việt dù chỉ mới công tác tại Việt Nam trong thời gian ngắn. Đối với các quan hệ ngoại giao, Bà cho rằng không quốc gia nào được coi là một nước nhỏ do đều có phiếu bầu tại Liên Hợp quốc, đồng thời có thể đến lượt luân phiên chủ tịch một tổ chức khu vực (bà kể ví dụ khi làm Đại biện lâm thời Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Haiti khi xảy ra nội chiến, bà phải chủ trì cuộc họp với Đại sứ các nước trong Liên minh châu Âu bởi khi đó Tây Ban Nha là Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU). Đại sứ cũng chia sẽ những bài học thực tế trong quá trình làm ngoại giao, một nhà ngoại giao nên biết nhiều kiến thức, kỹ năng khác nhau bên cạnh kiến thức chuyên ngành. Đại sứ đã đưa ra những lời khuyên cho các nhà ngoại trẻ trong những lúc khó khăn (như phải di chuyển, dịch bệnh), gia đình là nền tảng vững chắc giúp bạn cân bằng cuộc sống.

Đại sứ Tredene Dobsonchia sẻ về hoàn cảnh xuất thân, quá trình học tập và thi vào Bộ Ngoại giao New Zealand, cách thức đào tạo cán bộ ngoại giao trẻ của New Zealand (chủ yếu đào tạo qua công việc). Đất nước New Zealand giao cho bà nhiệm vụ rất rõ ràng đó là hoạt động ngoại giao nhằm phục vụ lợi ích của đất nước, góp phần xây dựng một thế giới an toàn hơn, phồn thịnh và ổn định hơn. Điểm quan trọng đối với cán bộ ngoại giao là rèn luyện khả năng tư duy, phân tích và quyết định. Nghề ngoại giao đối với Đại sứ Dobson là một nghề không dễ dàng, nhưng mặt khác nó luôn đem lại cho Đại sứ cơ hội để khám phá thế giới. Đại sứ cũng đặt ra vấn đề đối với mạng xã hội hiện nay, bà cho rẳng đây là công cụ hữu hiệu và cần được phát huy trong triển khai công tác đối ngoại, nhưng các cán bộ trẻ cần hết sức thận trọng trong phát ngôn trên mạng xã hội. Bà đưa ra lời khuyên cán bộ ngoại giao cần phát triển bản thân qua việc học tập suốt đời, học những kiến thức và kỹ năng mới, học từ những vị lãnh đạo của mình, luôn cởi mở tiếp nhận các cơ hội mới.

Ba diễn giả đều có quan điểm chung rằng rất khó và cạnh tranh để thi đỗ vào ngành ngoại giao, điều đó cho thấy cán bộ ngoại giao trẻ là những người có trình độ, năng lực, sự nhiệt huyết và hoài bão lớn. Nghề ngoại giao bên cạnh những khó khăn phải đối mặt như dịch bệnh, xung đột, chiến tranh, thì cũng là một nghề mang lại nhiều cơ hội học hỏi, chiêm nghiệm, khám phá thế giới. Đặc biệt hơn cả, người làm ngoại giao là những người đóng góp cho hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới, là một nghề được coi trọng trong xã hội.


Mặc dù không được gặp mặt và trao đổi trực tiếp với các Đại sứ do tình hình dịch bệnh, nhưng cán bộ ngoại giao trẻ của lớp Tiền Công vụ 2021 đã tiếp thu được rất nhiều thông tin, kinh nghiệm quý báu, những bài học giá trị thực tiễn, tạo nền tảng phát triển sự nghiệp ngoại giao trong tương lai. TS Phạm Lan Dung đã thay mặt Học viện Ngoại giao và các học viên cảm ơn các Đại sứ đã dành thời gian và tâm huyết chia sẻ những kinh nghiệm và bài học hay đối với các cán bộ ngoại giao trẻ Việt Nam. 

---
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại (FOSET)
Địa chỉ: Số 69 Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024 3775 3703, 093 455 5781, 077 8246167
Email: foset@dav.edu.vn
Website: http://www.foset.vn
Facebook: https://www.facebook.com/foset.dav/

 
 
Website liên kết